Các công ty kinh doanh game, thậm chí là các mạng xã hội như Facebook và MySpace đang phát hành tiền tệ ảo cho những giao dịch trong game, và xu hướng này ngày càng trở nên thông dụng.
Bạn đã từng bao giờ nghe về một đơn vị tiền tệ có tên là đồng đôla Project Entropia (PED) chưa? Dĩ nhiên là chưa rồi nếu bạn không chơi một loại game có tên là Entropia Universe. PED được dùng để mua/bán hàng hóa trên một hành tinh có tên là Calypso trong thế giới game trực tuyến Entropia Universe.
Xu hướng mới
Những đơn vị tiền tệ kiểu như PED đã không còn hiếm. Nhiều thế giới ảo, mạng xã hội và các website đang tiến tới việc cấp tiền ảo cho người chơi, để họ có thể mua bán đồ đạc trong game hoặc thực hiện các giao dịch trực tuyến. “Chúng tôi sẽ cố gắng rút gắn khoảng cách giữa thế giới ảo và thế giới thực”, đại diện của Entropia Universe tuyên bố. Hồi tháng 3 vừa qua, Entropia Universe đã nhận được giấy phép của chính phủ Thụy Điển thiết lập một ngân hàng có tên là Mind Bank để giao dịch và quy đổi đồng kronor của Thụy Điển (tiền thật) ra đồng đôla PED (tiền ảo).
Từ nay trở đi, hơn một triệu người chơi Entropia Universe có thể mua bán các mảnh đất, kho mỏ và công cụ bằng tiền thật (đôla Mỹ hoặc đồng kronor) ngay trong game. Trên thực tế ngân hàng Mind Bank đã đi vào hoạt động từ hồi tháng giêng vừa rồi, và người dùng có thể kiểm tra tài khoản và các khoản gửi tiết kiệm ngay trong game. Thậm chí họ còn được nhà cung cấp game cho vay vốn, tất nhiên là bằng đồng PED.
Đại diện hãng cung cấp game Entropia Universe hy vọng rằng với cơ chế trao đổi tiền tệ mới, việc chuyển đổi các quỹ đầu tư từ thế giới thực sang thế giới ảo sẽ đơn giản hơn, và người dùng sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn. Các nhà phân tích cho rằng xu hướng trao đổi hàng hóa trong thế giới ảo, game trực tuyến, mạng xã hội, và thậm chí là cả các website hẹn hò sẽ tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, nền kinh tế hàng hóa ảo lớn nhất thế giới – hiện đang có giá trị thực lên tới 800 triệu USD, tăng trưởng với tốc độ 30% mỗi năm. Còn với Second Life, một trong những nền kinh tế ảo lớn nhất của Mỹ, lượng giao dịch dự kiến sẽ tăng 39% trong năm nay, đạt 500 triệu USD.
Thẻ tín dụng ảo
Các dịch như PalPay của eBay và các loại thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ đã mang lại cho người dùng cách thức giao dịch tiện lợi trong thế giới ảo. Thế nhưng rất nhiều người dùng, chủ yếu là giới teen và người chơi ở các nền kinh tế mới nổi lại không có thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng. Chính vì vậy mà có tới 95% dân teen tại Mỹ mua bán bằng tiền mặt. Còn tại Trung Quốc, trong tổng số 1,3 tỉ dân chỉ có 115 triệu người có thẻ tín dụng. Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng lại tính mức phí khá cao cho mỗi lần giao dịch tiền thật trong game.
Các mạng xã hội thì coi tiền ảo như một biến pháp kích cầu. Đầu tháng 4 vừa qua, Facebook tuyên bố đang thử nghiệm cái gọi là “thẻ tín dụng ảo” riêng của hãng này, cho phép người dùng có thể giao dịch trong một số mạng nhỏ nhất định. Còn MySpace cũng đang phát triển một đơn vị tiền tệ và phương thức thanh toán riêng.
Một số website còn cho phép người dùng mua thẻ tín dụng ảo từ các nhà cung cấp trong game. Cuối tháng 4 vừa rồi, KingsIsle Entertainment – hãng phát hành game Wizard101 (có 2 triệu người chơi, chủ yếu là giới trẻ) đã tuyên bố sẽ thưởng thẻ 10USD cho người chơi thông qua hệ thống cửa hàng 7-Eleven. Một số tên tuổi mới nổi như Sim Ops Studios, Fragegg, Twofish, và PlaySpan cũng hy vọng cũng sẽ kiếm tiền từ các giao dịch hàng hóa ảo này. Một số tên tuổi này có sự hậu thuẫn của những “đại gia” lớn như Menlo Ventures và SK Telecom Ventures.
Hướng tới giới teen
Các vụ sáp nhập trong giới thanh toán ảo cũng diễn ra sôi nổi không kém. Ngày 21/4, PlaySpan – sở hữu công nghệ xác nhận và phân tích giao dịch tiền tệ ảo – tuyên bố mua lại hãng Spare Change chuyên hỗ trợ các hoạt động giao dịch hàng hóa ảo trên những website như Facebook. Tháng giêng vừa rồi, Linden Lab (hãng sở hữu Second Life) đã mua lại 2 chợ hàng hóa ảo là Xstreet SL và onRez. Linden cũng đang cân nhắc việc sử dụng đồng đôla riêng của mình (đồng Linden Dollar) trong các thế giới ảo khác.
Các lựa chọn thanh toán mới cũng giúp thúc đẩy thị trường hàng hóa ảo tăng trưởng bằng việc tiếp cận những người chơi không có điều kiện trả tiền cho hàng hóa ảo. Một dịch vụ có tên là Rixty cho phép giới teen có thể thiết lập tài khoản trên cổng game Perfect World, và ký gửi tiền thông qua các kiốt Coinstar hoặc qua các cửa hàng thực tế.
Những công ty khác thậm chí còn muốn cho phép người dùng mua tiền trong game bằng cách tính vào hóa đơn điện thoại, một trong những cách làm ăn rất phổ biến tại châu Á. Dự kiến trong năm tới, Linden cũng sẽ áp dụng phương thức thanh toán rất tiện lợi này. Mạng xã hội Fragegg, mới ra mắt hồi đầu tháng 4 vừa qua, còn cho phép người chơi giao dịch và trao đổi tiền trong game với tiền của những thế giới ảo khác.
Cơ hội vàng cho các nhà phát triển game
Các dịch vụ thanh toán kiểu mới sẽ khích lệ các nhà phát triển tạo ra nhiều hàng hóa ảo hơn, đồng thời tăng thêm các tính năng thanh toán qua website. Chẳng hạn như công cụ phần mềm của Sim Ops mới ra mắt tháng 3 vừa rồi cho phép các nhà phát triển có thể tạo ra các game miễn phí, và kiếm tiền từ hàng hóa ảo (vũ khí, avatar…) trong game.
Tuy nhiên, khi hình thức trao đổi này bùng nổ sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như nạn gian lận trong giao dịch. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, nơi áp dụng phương pháp tính tiền mua đồ trong game vào hóa đơn điện thoại, thì một số người chơi lại tìm cách chuyển số tiền đó vào hóa đơn thanh toán điện thoại của bố mẹ.
Theo VnMedia