Search
Close this search box.

Hai thủ thuật trong thương mại điện tử

Hai vấn đề có thể quyết định sự thành bại của doanh nghiệp (DN) khi theo đuổi việc kinh doanh dưới hình thức thương mại điện tử (TMĐT) là thu hút người truy cập vào website và phải tính giá hàng được bán như thế nào ? “Secret of electronic commerce” (Bí quyết thương mại điện tử) do Trung tâm Thương mại quốc tế có trụ sở tại Thụy Sĩ  xuất bản,  một trong những cuốn sách giới thiệu dễ hiểu và đầy đủ nhất trên thế giới hiện nay về TMĐT (đã có bản dịch tiếng Việt – ĐN) lý giải khá rõ 2 vấn đề này. Xin trích giới thiệu để bạn đọc tham khảo.


1. Làm thế nào để thu hút người truy cập vào website: Việc có nhiều người truy cập vào website đồng nghĩa với gia tăng cơ hội bán hàng. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ khi web của bạn chỉ là 1 trong tổng số trên 2 tỷ website đã có tên trên Internet. Ngay với thương hiệu bán hàng qua mạng nổi tiếng có cả triệu người truy cập mỗi ngày như amazon.com, Ebay.com, việc tiếp cận khách hàng cũng là hành trình đầy khó khăn. Phương pháp tốt nhất là chủ nhân website nên đăng ký địa chỉ với các công cụ tìm kiếm nhiều cấp, gửi thư điện tử cho khách hàng để báo địa chỉ và tạo điều kiện cho họ dễ dàng truy cập; thông báo về địa chỉ, nội dung trang web trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo liên kết với các website có cùng thị trường mục tiêu và không phải là đối thủ cạnh tranh của DN. Nên đăng ký địa chỉ web lên các Trang Vàng, giảm giá cho đơn đặt hàng trên mạng… Nếu khách hàng thấy thông tin trên website có ích, họ sẽ lưu địa chỉ và truy cập trở lại khi cần.

2. Tính giá hàng được bán bằng phương thức TMĐT như thế nào ? Một nguyên tắc cần lưu ý là chi phí về TMĐT cần được cộng vào giá dịch vụ hoặc bán hàng, tức là từ khi tiến hành giao dịch, thỏa thuận với khách đến khi họ nhận được hàng theo yêu cầu. Việc đầu tiên là cần tính vào giá chi phí đầu tư và vận hành trang web. Việc thu hồi vốn không nên kéo dài quá 3 năm. Nếu chia cho mỗi hợp đồng thì số tiền là không lớn lắm. Mặt khác, ta phải tính vào giá thành chi phí giao dịch bằng thẻ tín dụng, thường là khoảng 3-4% giá trị mỗi giao dịch dùng thẻ và chi phí trả cho ngân hàng. Khi kinh doanh bằng TMĐT cần lưu ý đến việc bảo hiểm hàng hóa. Cụ thể, nên báo cho khách biết là trong hoàn cảnh nào họ có thể trả lại hàng, việc trả lại hàng diễn ra trong bao lâu và ai chịu phí chuyên chở số hàng đó… Những nội dung khác cũng nên tính vào giá thành là ai chịu trách nhiệm nộp thuế hải quan với hàng hóa gửi qua biên giới, thuế, phí đóng gói hàng hóa, công vận chuyển đến điểm giao hàng…

Với cách tính như trên, nhiều người cho rằng, giá hàng hóa giao dịch dưới hình thức TMĐT sẽ cao hơn nhiều so với kinh doanh thương mại truyền thống. Điều này chưa hoàn toàn đúng vì bán hàng theo phương thức TMĐT, ta sẽ không phải mất chi phí thuê địa điểm, trả lương cho đội ngũ nhân viên bán hàng… Theo nhận định của các chuyên gia, đối với tình hình Việt Nam hiện nay, TMĐT sẽ giúp rất nhiều cho việc marketing và tìm kiếm khách hàng qua mạng, nhất là các DN sản xuất hàng xuất khẩu. Đây cũng là sự chuẩn bị hữu ích cho các bước phát triển TMĐT tiếp sau…

ST