Search
Close this search box.

Facebook như ‘mafia toàn cầu’

Cuộc đối đầu giữa Facebook và Australia cho thấy Mark Zuckerberg nghĩ mình không chỉ đứng trên pháp luật, mà còn đủ mạnh để bẻ cong luật theo ý muốn.

Facebook và Australia đang đối đầu, dù quốc hội Australia chưa thông qua dự luật Đàm phán Truyền thông Tin tức, trong đó yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia khi tin tức được chia sẻ trên các nền tảng công nghệ này.

Người khổng lồ công nghệ đã đáp trả dự luật bằng cách ngăn các nhà xuất bản, cơ quan báo chí ở Australia đăng tin tức lên trang Facebook của họ. Người dùng nước này không thể chia sẻ và xem tin bài, kể cả trong nước và quốc tế trên Facebook. Người dùng Facebook toàn thế giới cũng không thể chia sẻ hoặc xem tin bài từ các nhà xuất bản Australia.

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg trong một sự kiện năm 2018. Ảnh: AFP.

Facebook khẳng định không còn lựa chọn nào khác và cho rằng dự luật “không hiểu cách dịch vụ của chúng tôi hoạt động”. Hậu quả của hành động này không chỉ ảnh hưởng tới các hãng xuất bản, mà còn khiến các cơ quan ứng phó khẩn cấp, đường dây hỗ trợ bạo lực gia đình, lực lượng y tế và quỹ từ thiện không thể chia sẻ nội dung trên trang Facebook của mình.

Bộ trưởng Môi trường Australia Sussan Ley kêu gọi người dân truy cập website thay vì vào Facebook, trong khi Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố chính phủ Australia “sẽ không bị uy hiếp”.

Đây không phải lần đầu Facebook chống lại luật pháp hoặc giới lãnh đạo một quốc gia. Mạng xã hội này hồi tháng 10/2020 tuyên bố không thực hiện quy định bổ nhiệm đại diện tại Thổ Nhĩ Kỳ theo luật pháp, nhưng sau đó chấp thuận yêu cầu từ Ankara.

Facebook cũng chặn quyền tiếp cận của quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính và bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao hồi đầu tháng.

Những sự việc cho thấy Facebook hành xử như một bộ máy xuyên quốc gia và tùy ý thực thi quyền lực mà không bị cản trở. Động thái với Australia được ví là hành động của “mafia toàn cầu” khi Facebook tìm cách gây áp lực với chính phủ vì những điều luật không hợp ý họ. Cách phản ứng của Australia và những nước khác, bao gồm cả Mỹ, có thể sẽ định hình quan hệ giữa các chính quyền với những người khổng lồ ngành công nghệ trong tương lai.

Có nhiều điểm trớ trêu trong quyết định chặn tin tức ở Australia của Facebook. Tập đoàn này tập trung vào khả năng kết nối giữa con người nhưng lại chặn quyền chia sẻ thông tin của hàng triệu người. Một nền tảng đang vật lộn với tin giả và chủ nghĩa cực đoan lại giới hạn quyền tiếp cận thông tin có ích từ bên ngoài, trong bối cảnh dịch bệnh và thảm họa tự nhiên vẫn đang diễn ra.

Facebook thực sự muốn gì? Đầu tiên là không phải trả một đồng thuế hay chi phí nào. Nhưng vấn đề lớn hơn dường như là Facebook muốn bảo đảm quyết nắm trọn thị trường quảng cáo của một quốc gia, cũng như thoải mái điều chỉnh những thuật toán kiểm soát cách hiển thị thông tin đến hàng triệu người dùng.

Mọi thứ ngăn cản quyền kiểm soát cách tiếp nhận thông tin của Facebook đều được coi là mối đe dọa với mạng xã hội này. Phản ứng của Facebook với Australia cho thấy họ sẵn sàng hành động cứng rắn để bảo đảm quyền thống trị thị trường và hàng chục tỷ USD lợi nhuận, cũng như thể hiện mạng xã hội này đã nắm quá nhiều quyền lực.

Facebook khẳng định “tin tức chiếm chưa đầy 4% nội dung người dùng thấy trên News Feed”, những thông tin gần đây cho thấy hãng muốn giảm con số này thấp hơn nữa nhằm cắt giảm sự chia rẽ trên nền tảng này.

Không gian Facebook lý tưởng là nôi người dùng tiếp nhận lượng tin tức nhỏ nhất và đủ nội dung khác để giữ chân họ. Dù vậy, động lực này đã hiện diện dưới hình thức gây sốc, tin giả và gây chia rẽ suốt nhiều năm qua trên Facebook, trong khi mạng xã hội gần như không hành động gì.

Facebook từng ủng hộ dòng thông tin không kiểm soát vì nó giúp công ty phát triển, họ hiếm khi thừa nhận vai trò nền tảng chia sẻ thông tin cũng đi kèm với trách nhiệm.

Điều này dường như cũng mất dần với giới lãnh đạo Facebook, khi họ luôn nhìn thế giới qua con mắt của Zuckerberg. Xu thế trừng phạt những người trái ý của Zuckerberg được thể hiện rõ trong cuộc đối đầu với Australia, nhất là khi tin tức dường như không có vai trò quan trọng với Facebook và ông chủ của họ.

Nguồn : VNExpress